x Dành cho công ty Đăng nhập Đăng ký

Liên hệ

Hãy liên hệ với chúng tôi
Để các bạn có được những tư vấn tốt nhất

Các bạn hảy điền những thông tin đầy đủ dưới đây và nhấn nút “ GỬI” , chúng tôi sẽ trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất

Nam Nữ

KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỊA ĐẠO CỦ CHI

HISTORIC RELICS & CUCHI TUNNEL COMPLEX

DI TÍCH LỊCH SỬ 87A TRẦN KẾ XƯƠNG

Chuyên mục: DI TÍCH LỊCH SỬ
DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA: TRỤ SỞ PHÁI ĐOÀN LIÊN LẠC BỘ TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM CẠNH ỦY BAN QUỐC TẾ KIỂM SOÁT ĐÌNH CHIẾN TẠI SÀI GÒN (1955 – 1958)
Cuối năm 1953, trong khi các chiến trường trên cả nước đang đi vào những trận đánh lớn thì Trung ương Đảng quyết định mở mặt trận đấu tranh ngoại giao.
 
Ngày 17/12/1953, Bộ Chính trị họp bàn và ra Nghị quyết về chủ trương thương lượng đàm phán. Đảng ta cho rằng mặt trận ngoại giao được mở ra đúng lúc và được phối hợp chặt chẽ với hoạt động quân sự trên chiến trường sẽ là một chiến lược sáng suốt để từng bước đạt đến những mục tiêu cơ bản giành thắng lợi sau này.

Vào lúc ấy, trên thế giới xu hướng hòa hoãn đang phát triển, nhất là sau khi mặt trận Triều Tiên ngừng tiếng súng, xu thế đó chi phối đường lối ngoại giao của nhiều quốc gia. Như Hội nghị Colombo cấp Thủ tướng của 5 nước: Ấn Độ, Srilanca, Miến Điện, Indonesia, Pakistan đã công bố kiến nghị 6 điểm nhằm giải quyết vấn đề Đông Dương.

Hình ảnh phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân Dân Việt Nam

Từ ngày 23 tháng 01 đến ngày 12 tháng 02 năm 1954, một hội nghị tứ cường họp ở Berlin. Chương trình nghị sự bàn về các vấn đề Châu Âu là chủ yếu, nhưng do sáng kiến và sự khôn khéo của Liên Xô, cuối cùng đã đi đến quyết định mở Hội nghị Giơ – ne – vơ vào hạ tuần tháng 5 năm 1954 để bàn về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, Trung Quốc cũng tham dự Hội nghị này.

Đến ngày 10 tháng 3 năm 1954, khi khả năng đàm phán đã trở thành hiện thực, Trung ương Đảng đã có quyết định cuối cùng về thành phần Đoàn đại biểu Chính phủ đi dự Hội nghị Giơ – ne – vơ. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được cử làm Trưởng đoàn. Những thành viên chính khác của đoàn là: đồng chí Tạ Quang Bửu, đồng chí Trần Công Tường, đồng chí Phan Anh. Ngoài ra còn có một cơ quan tham mưu do đồng chí Hà Văn Lâu phụ trách.

Hội nghị quốc tế Giơ – ne – vơ cấp Ngoại trưởng chính thức khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954. Giai đoạn đầu bàn về vấn đề Triều Tiên đồng thời giải quyết những thủ tục cần thiết cho việc đàm phán, giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương. Cuộc bàn cãi về vấn đề Triều Tiên đến ngày 7 tháng 5 thì bế tắc. Cùng ngày đó, tập đoàn cứ điểm của Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt. Ngày 08 tháng 5, Hội nghị chuyển sang bàn về vấn đề Đông Dương trong một bối cảnh đặc biệt vô cùng thuận lợi cho ta.

Hội nghị quốc tế Giơ – ne – vơ về vấn đề Đông Dương kéo dài từ ngày 08 tháng 5 đến ngày 20 tháng 7 năm 1954. Các văn bản cuối cùng được ký kết tại Hội nghị Giơ – ne – vơ ngày 20 tháng 7 năm 1954. Tiếp theo đó một Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế việc thi hành Hiệp định được thành lập với Ấn Độ (làm Chủ tịch), Balan và Canada (ủy viên).

Gian nhà chính của trụ sở phái đoàn liên lạc

Sau đó, một hội nghị được tổ chức tại Trung Giả (thuộc tỉnh Lạng Sơn) quy định hai bên tham chiến: Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp thành lập hai Phái đoàn cùng tham gia kiểm soát đình chiến với Ủy ban Quốc tế cho đến khi thực hiện Tổng tuyển cử. Trưởng Phái đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tá Hà Văn Lâu. Ở miền Nam có một Phái đoàn đại diện do đồng chí Phạm Hùng làm Trưởng đoàn, đặt trụ sở tại Phụng Hiệp (Hậu Giang). Trong thời kỳ đầu chủ yếu Phái đoàn giải quyết việc chuyển quân. Khi hết thời hạn chuyển quân, một Hiệp định khác được ký kết cho phép Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến ở lại miền Nam và đặt trụ sở tại Sài Gòn. Phái đoàn được tổ chức lại và ngày 13 tháng 4 năm 1955 có mặt tại Sài Gòn với các thành phần như sau:
 
- Đồng chí Đại tá Phạm Hùng, Trưởng đoàn.
- Đồng chí Trung tá Nguyễn Văn Long, Phó đoàn.
- Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Hoàng (Hai An), Phó đoàn.
- Đồng chí Phạm Chung, Chánh Văn phòng.
- Đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Thư ký Văn phòng.
- Đồng chí Nguyễn An, Thư ký Văn phòng.
- Đồng chí Hồ Vĩnh Thuận, Điện đài.
- Đồng chí Nguyễn Văn Khiêu, đ/c Tông và đ/c Nghĩa, Lái xe.
- Đồng chí Mai Văn Bộ, Phiên dịch.
- Đồng chí Kha, Phiên dịch.
- Đồng chí Cương, Bảo vệ.
- Đồng chí Mạnh, Y sĩ.
(Sau đó bổ sung thêm một số đồng chí ở trong các tổ Liên hiệp đình chiến).
 
 Nhiệm vụ của Phái đoàn là điều tra những vi phạm Hiệp định Giơ – ne – vơ của địch như bắn giết, thủ tiêu đồng chí, đồng bào ta và chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử ngày 20 tháng 7 năm 1956. Phái đoàn được bố trí đặt trụ sở tại nhà số 61 đường Liên tỉnh 2 (nay là số nhà 87A đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận). Đây là villa của một sĩ quan Pháp (cấp Trung tá) được xây cất vào khoảng năm 1930. Theo Hiệp định có một đại đội lính dù Pháp canh gác bên ngoài trụ sở để đảm bảo an ninh cho Phái đoàn. Tuy vậy, Phái đoàn cũng nhiều lần bị địch công khai hoặc lén lút phá hoại.

Sau Hội nghị Giơ – ne – vơ, Mỹ trút bỏ cái cỏ ngoại giao bề ngoài, ngang nhiên và gấp rút xúc tiến kế hoạch thay chân Pháp, biến miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia thành căn cứ quân sự và thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Tháng 3 năm 1956, ở Hội nghị Karasi của khối xâm lược Đông Nam Á, Mỹ và Pháp đã thỏa hiệp với nhau để Pháp rút quân khỏi miền Nam trước tháng 7 năm 1956. Ngày 30 tháng 5 năm 1956, đơn vị cuối cùng của 30 vạn quân viễn chinh Pháp rút khỏi nước ta và Pháp không còn chịu trách nhiệm gì về việc thi hành Hiệp định Giơ – ne – vơ nữa. Mỹ - Diệm được thể càng vi phạm, chống phá các điều khoản quân sự và chính trị của Hiệp định Giơ – ne – vơ và từ chối trách nhiệm bảo vệ Phái đoàn ta, lại cho lính đến phong tỏa trụ sở nói trên. Sau khi lật đổ Bảo Đại, Mỹ - Diệm càng phong tỏa chặt chẽ Phái đoàn. Chúng cản trở, gây khó khăn cho việc đi lại của các cán bộ, nhân viên trong Phái đoàn, đưa một số dân cư Bùi Chu, Phát Diệm bị mua chuộc đến đập phá bên ngoài vòng rào, hò hét, phá phách, dùng đủ các thủ đoạn: Đe dọa, hành hung, mua chuộc, nghe lén điện thoại…nhưng các âm mưu của chúng đều bị thất bại. Các thành viên Phái đoàn luôn cảnh giác trước quân địch và cương quyết đấu tranh đòi hỏi sự can thiệp của Ủy ban Quốc tế kiểm soát đình chiến cũng như đại diện Quân đội Liên hiệp Pháp. Bên cạnh đó, Phái đoàn còn được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân ở chung quanh.

Ngày 21 tháng 5 năm 1958, sau khi được chỉ thị của cấp trên, Phái đoàn đã rút về miền Bắc, chấm dứt sự có mặt tại Sài Gòn.

Năm 2008, Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đã khởi công dự án trùng tu, phục hồi Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến tại Sài Gòn (1955 – 1958) tọa lạc tại số 87A Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận được Bộ Văn hóa công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo quyết định số 1288-VH/QĐ vào ngày 16/11/1988. Ngày 22 tháng 12 năm 2011 công trình được khánh thành và đưa vào hoạt động. Việc phục hồi, trùng tu di tích Trụ sở Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã góp phần cùng với các di tích lịch sử khác trên địa bàn thành phố trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thể hệ trẻ Việt Nam.

Thông tin khác