Đến Bến Dược du khách sẽ được tham quan hệ thống địa đạo, những căn hầm của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy và Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã từng sống, chiến đấu trong suốt thời kỳ chiến tranh.
Hầm làm việc nghỉ ngơi của Tư lệnh quân Khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định
Trước khi vào cổng soát vé ngay tại bìa rừng, du khách sẽ tham quan nơi trưng bày các loại bom, pháo của quân đội Mỹ đã từng sử dụng trên chiến trường Củ Chi và các loại vũ khí du kích Củ Chi dùng để đánh lại quân đội Mỹ và lính Việt Nam Cộng hòa. Qua cổng soát vé, hướng dẫn viên sẽ đưa du khách đi sâu vào rừng trong tiếng nhạc du dương của những bài hát kháng chiến, hòa lẫn tiếng hót ríu rít của những chú chim rừng để đến khu vực hội trường xem phim tư liệu và nghe các nữ thuyết minh với trang phục áo bà ba đen, chân đi dép râu, đầu đội nón tai bèo, khăn rằn quấn cổ giới thiệu về lịch sử hình thành, phát triển của hệ thống địa đạo chiến Củ Chi. Sau đó, du khách sẽ đi tham quan thực tế đường hầm với các công trình nằm sâu dưới lòng đất như: Hầm ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, hầm hội họp, hầm giải phẫu, hầm chữ A chống sụp lỡ khi bom pháo nổ gần, hầm chứa lương thực và vũ khí, nắp bí mật, lỗ thông hơi, ổ chiến đấu, giếng nước, bếp Hoàng Cầm, công binh xưởng, nhà may quân trang, nhà cắt dép râu, nhà trưng bày vũ khí tự tạo…Đặc biệt, du khách sẽ tận mắt chứng kiến một phát minh hết sức sáng tạo trong việc giấu khói của bếp Hoàng Cầm và thưởng thức món ăn của du kích năm xưa mà giờ đây đã trở thành đặc sản: Cơm vắt, khoai mì chấm muối đậu.
Du khách xuống tham quan địa đạo
Tạm xa địa đạo với những chiến tích oai hùng, du khách sẽ đến khu vực bán hàng lưu niệm chiến tranh với những món quà làm từ vỏ đạn như: Đèn dầu, bật lửa, bút bi, dây đeo, hay đôi dép râu làm từ lốp xe cũ và những mặt hàng sơn mài, mỹ nghệ cao cấp, những mặt hàng mây, tre, lá đặc trưng của các làng nghề truyền thống ở Củ Chi. Xuyên qua cánh rừng sẽ đưa du khách đến Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược. Tại đây, du khách sẽ có một phút lắng đọng tâm hồn để mặc niệm và thắp hương tưởng nhớ đến đồng bào, các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCH. Đồng thời chiêm ngưỡng bức tranh ghép gốm lớn nhất Việt Nam trên ba mảng tường xung quanh đền chính và đứng trên tháp 9 tầng ngắm nhìn cảnh vật yên bình của vùng “Tam giác sắt” năm xưa uốn lượn theo dòng sông Sài Gòn êm ả trôi.
Hàng lưu niệm
Rời Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược, du khách có thể sử dụng xe điện để đến tham quan sa bàn biểu diễn đánh bại trận càn Cedar Falls của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967. Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi với cảnh vật làng quê yên bình, những con đường rợp bóng mát tre xanh, những ngôi nhà lá giờ chỉ còn là hoài niệm, khu chợ quê với những món ăn dân dã, hay chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của quê hương Củ Chi và những trận đánh xuất quỷ nhập thần của du kích trong lòng địa đạo. Đến thăm Hồ cảnh quan mô phỏng Biển Đông, rừng gỗ quý và 3 mô hình thu nhỏ đặc trưng của 3 miền như: Chùa Một Cột (Hà Nội), Ngọ Môn (Huế), Bến Nhà Rồng (TPHCM), hoặc thả mình trong làn nước trong xanh của hồ bơi với lối kiến trúc riêng biệt gần gũi với thiên nhiên.
Du khách dùng khoai mì tại bếp Hoàng Cầm
Một dịp không thể bỏ qua khi du khách đến tham quan địa đạo Bến Dược là được thử cảm giác mạnh, tài bắn súng của mình tại Trường bắn thể thao quốc phòng, hay chia ra thành hai đội đánh trận giả bằng súng bắn đạn sơn. Kết thúc tour tham quan, du khách sẽ dừng chân ở Nhà hàng Bến Dược nằm cặp bờ sông Sài Gòn để hít thở những làn gió trong lành, ngắm nhìn đồng ruộng phía bên kia sông với những cánh cò trắng chập chờn bay lượn, thưởng thức những món ăn đồng quê dân dã của vùng đất Đông Nam bộ và những món ăn đặc sản của Củ Chi.
Chắc chắn rằng sau chuyến tham quan sẽ đọng lại trong lòng du khách một cảm giác khó quên, một trải nghiệm vô cùng thích thú, đó là lòng cảm phục về trí thông minh, óc sáng tạo, tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng của quân và dân Củ Chi trong việc xây dựng, phát triển hệ thống “Địa đạo chiến” lừng danh thế giới.
Thông tin khác